Theo các bác sỹ tại Bệnh viện K, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn không chỉ làm tăng nguy cơ gây nên ung thư đại trực tràng mà còn khiến cơ thể dễ mắc các loại ung thư nguy hiểm khác như: Ung thư thực quản, phổi, tuyến tụy, nội mạc tử cung và ung thư dạ dày.
Theo nghiên cứu bởi Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF), tiêu thụ nhiều thịt đỏ chưa qua chế biến và thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Cụ thể, cứ tăng 50g tiêu thụ thịt chế biến sẵn hàng ngày làm tăng nguy cơ gây ung thư lên 18%; tăng 100g tiêu thụ thịt đỏ chưa chế biến hàng ngày tăng nguy cơ ung thư lên 17%.
Cụ thể, nitrit hoặc nitrat được thêm vào thịt để bảo quản có thể làm tăng tiếp xúc ngoại sinh với nitrosamine, hợp chất N-nitroso và tiền chất của chúng. Chế độ ăn uống chứa hợp chất N-nitroso có liên quan đến nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa.
Chẳng hạn, trong nghiên cứu EPIC-Norfolk, lượng N-nitrosodimethylamine làm tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa lên 1,13 lần, đặc biệt là ung thư trực tràng lên 1,46 lần.
Lượng muối cao trong các loại thịt chế biến sẵn cũng được coi là một yếu tố gây nguy cơ ung thư dạ dày. Ăn nhiều muối có thể làm hỏng niêm mạc dạ dày, tăng hình thành hợp chất N-nitroso nội sinh, tương tác hiệp đồng với các chất gây ung thư dạ dày và làm tăng sự xâm nhập của vi khuẩn Helicobacter pylori.
Cứ tăng 50g tiêu thụ thịt chế biến sẵn hàng ngày làm tăng nguy cơ gây ung thư lên 18%
Sắt haem trong thịt đỏ có thể dẫn đến stress oxy hóa, do đó có thể làm tăng quá trình peroxy hóa lipid, dẫn đến biến đổi protein và tổn thương ADN. Ngoài ra, sắt trong haem cũng làm tăng sự hình thành hợp chất N-nitroso nội sinh vì haem trong thịt đỏ có thể dễ dàng bị nitro hóa và hoạt động như một tác nhân nitro hóa.
Dựa trên kết quả của nhóm thuần tập Điều tra Triển vọng Châu Âu về Ung thư và Dinh dưỡng (EPIC), sự hình thành hợp chất N-nitroso nội sinh khi tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn liên quan đến tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Một số nghiên cứu dịch tễ học cũng đã chỉ ra mối liên quan giữa chế độ ăn uống có các amin thơm dị vòng và hydrocacbon thơm đa vòng với nguy cơ mắc các loại ung thư khác nhau, đặc biệt là polyp tuyến đại trực tràng và ung thư đại trực tràng. Do đó, Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới đã đưa ra khuyến nghị về việc tiêu thụ thịt đỏ nên giới hạn ở mức <500g / tuần và rất ít hoặc không sử dụng thịt chế biến sẵn để tránh làm tăng khả năng gây bệnh ung thư.
Nguồn thông tin: Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K
Các bác sĩ kêu gọi người dân cần chú ý đến bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường nào có thể cảnh báo UT, vì chẩn đoán và điều trị sớm sẽ cải thiện đáng kể khả năng sống sót.
Cơ quan Nghiên cứu ung thư Vương quốc Anh (Cancer Research UK) đã công bố danh sách 21 triệu chứng phổ biến nhưng thường bị bỏ qua của ung thư, khuyên bất kỳ ai gặp phải những triệu chứng này nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Không chỉ những người hút thuốc và ăn thịt đỏ mới có nguy cơ mắc ung thư (mặc dù đây là hai yếu tố tăng nguy cơ ung thư), vì nhiều dạng ung thư khác nhau có thể phát triển ở những người có vẻ khỏe mạnh.
Một triệu chứng chỉ có thể phát hiện được vào ban đêm là đổ mồ hôi quá nhiều, được gọi là đổ mồ hôi đêm hay đổ mồ hôi trộm. Bạn có thể đổ mồ hôi đến mức khiến quần áo, chăn đệm ướt đẫm, mặc dù ngủ trong môi trường mát mẻ.

Đổ mồ hôi đêm thường do mãn kinh, lo lắng hoặc một số loại thuốc như steroid và thuốc chống trầm cảm gây ra. Hạ đường huyết cũng có thể là một nguyên nhân.
Tuy nhiên, tốt hơn bạn nên đi khám sức khoẻ vì đổ mồ hôi đêm được Cancer Research UK liệt kê trong số 21 dấu hiệu điển hình của ung thư.
Cancer Research UK đã cảnh báo 21 triệu chứng ung thư sau đây:
- Đổ mồ hôi đêm rất nhiều
- Mệt mỏi
- Chảy máu hoặc bầm tím không rõ nguyên nhân
- Đau hoặc mụn nhọt không rõ nguyên nhân
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Một khối u hoặc sưng bất thường ở bất cứ nơi nào trên cơ thể
- Nốt ruồi mới hoặc nốt ruồi thay đổi
- Thay đổi về da hoặc vết loét không lành
- Giọng khàn hoặc ho kéo dài không khỏi
- Ho ra máu
- Khó nuốt
- Khó thở
- Ợ nóng hoặc khó tiêu kéo dài
- Thay đổi bất thường về kích thước hoặc cảm giác ngực
- Chướng bụng kéo dài
- Mất cảm giác thèm ăn
- Thay đổi thói quen đi ngoài như táo bón, phân lỏng hoặc đi ngoài nhiều hơn
- Đi ngoài ra máu
- Chảy máu âm đạo bất thường kể cả sau quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh nguyệt hoặc sau mãn kinh
- Đi tiểu ra máu
- Khó tiểu
Cancer Research UK lưu ý thêm: “Có hơn 200 loại ung thư khác nhau có thể gây ra nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Đôi khi các triệu chứng ảnh hưởng đến các vùng cụ thể trên cơ thể, chẳng hạn như bụng hoặc da. Nhưng đôi khi các dấu hiệu cũng có thể tổng quát hơn, ví dụ sụt cân, mệt mỏi hoặc đau không rõ nguyên nhân.
Nếu thấy có bất cứ thay đổi nào bất thường hoặc triệu chứng không biến mất, bạn nên trao đổi với bác sĩ. Điều này có thể giúp phát hiện sớm ung thư để tăng khả năng điều trị thành công.
Nguồn: https://giadinhmoi.vn/dau-hieu-bao-dong-do-ung-thu-ma-ban-chi-co-the-phat-hien-vao-ban-dem-d87156.html