Thông tin này được đăng tải trên báo Dân trí ngày 11/2/2025. Bài viết có tiêu đề: “Phụ huynh tố bị ép ký giấy học thêm: Do hiểu nhầm?”. Nội dung cụ thể như sau:
Ngày 11/2, một người tự nhận phụ huynh Trường THCS Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội, “tố” bị ép phải ký giấy tự nguyện cho con học thêm tại trường. Thông tin nhận được hàng loạt chia sẻ trên mạng xã hội.
“Tôi là phụ huynh. Hôm thứ 2 vừa qua, tôi phải đến trường họp phụ huynh bất thường để thầy cô chủ nhiệm thông báo sẽ tiếp tục dạy thêm buổi chiều có thu tiền (học chính buổi sáng) và ép phụ huynh ký giấy đăng ký học thêm tự nguyện”, tài khoản này cho hay.
Cũng theo thông tin đăng tải từ tài khoản này, phụ huynh nghi ngờ đây là động thái lập lờ của nhà trường nhằm cố tình chống đối và lách luật khi tổ chức buổi họp phụ huynh “bất thường” liên quan đến việc học thêm.
Trả lời phóng viên Dân trí trưa nay, lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho hay, đây là hiểu nhầm.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Hà Đông cho biết, thông tin “tố” trên mạng xã hội về Trường THCS Mỗ Lao là hiểu nhầm (Ảnh: Tư liệu).
Theo Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông, ngay sau Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, quy định về dạy học thêm do Bộ GD&ĐT ban hành, ngày 10/2, Phòng GD&ĐT đã họp quán triệt trên toàn quận, yêu cầu các nhà trường thực hiện đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
“Việc nhà trường triển khai học 2 buổi/ngày và có thu tiền vào các giờ học buổi chiều đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT tại Thông tư 29/2024.
Trước khi triển khai chủ trương này, nhà trường đã lấy ý kiến phụ huynh. Tôi cho rằng, thông tin đăng tải trên mạng xã hội trên đây chưa hoàn toàn chính xác”, bà Hằng nói.
Trước đó, trả lời báo chí, lãnh đạo nhà trường cho hay, không có chuyện ép học thêm. Cũng theo lãnh đạo này, công văn 7291/BGDĐT-GDTrH ngày 1/11/2010 về việc dạy học hai buổi/ ngày quy định, nếu những trường THCS có đủ điều kiện cơ sở vật chất nói rõ việc tổ chức này chỉ thực hiện khi học sinh có nhu cầu và phụ huynh đồng thuận.
Do đó chiều 10/2, nhà trường họp phụ huynh lấy ý kiến. Nếu phụ huynh tự nguyện, nhà trường sẽ tổ chức, nếu không sẽ dừng. Hiện tại có 28/33 lớp nộp biên bản, trong đó 100% phụ huynh nhất trí.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và yêu cầu thực tế, ngày 30/12, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, quy định về dạy học thêm.
Điểm mới mà Thông tư 29 đưa ra không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Bộ GD&ĐT cho rằng, quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.
Cấm thu tiền học thêm từ 14/2, học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT thế nào?
Từ ngày 14/2, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Theo đó, tất cả các trường học trên toàn quốc sẽ không được tổ chức học thêm với học sinh nằm ngoài 3 nhóm đối tượng: học sinh yếu kém, học sinh giỏi và học sinh cuối cấp.
Đồng thời, các trường không được phép thu tiền học thêm của học sinh, phụ huynh.
Thông tư 29 tác động trực tiếp đến công tác ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 tại các trường cấp 3.
Các trường đứng trước hai lựa chọn: tiếp tục ôn tập tăng cường cho học sinh và không thu tiền, đồng nghĩa với giáo viên phải dạy miễn phí, hoặc dừng hoàn toàn công tác ôn tập, để học sinh tự ôn hay học thêm tại các trung tâm ngoài nhà trường.
“Ở giai đoạn nước rút này, khi chỉ còn 4 tháng nữa là tới kỳ thi quan trọng của cả 12 năm đèn sách, chúng tôi không nỡ chọn cách thứ hai. Chúng tôi chọn cách thứ nhất”, hiệu trưởng một trường THPT tại ngoại thành Hà Nội chia sẻ.
Theo ông, nếu nhà trường dừng dạy thêm, học sinh lớp 12 không khác nào bị bỏ rơi.
Vị hiệu trưởng phân tích: các huyện ngoại thành hạn chế về nguồn lực giáo dục, không có nhiều trung tâm dạy thêm; đời sống kinh tế không cao, phụ huynh không “gánh” được chi phí học thêm đắt đỏ ngoài nhà trường; giáo viên phải tạm dừng dạy thêm cho đến khi hoàn thành các thủ tục đăng ký kinh doanh, báo cáo theo đúng Thông tư 29…
“Chỉ có một bộ phận nhỏ học sinh có năng lực học tập tốt, ý thức tự giác cao trong học tập có thể chủ động ôn tập hay tham gia các khóa học online. Phần đông học sinh vẫn cần sự hướng dẫn, kèm cặp sát sao của thầy cô”, vị hiệu trưởng khẳng định.
Cùng lựa chọn, Trường THPT Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tiếp tục duy trì công tác ôn tập cho học sinh lớp 12 như vẫn thực hiện từ đầu năm và dừng thu tiền. Đồng thời, trường giảm thời lượng ôn tập tăng cường mỗi môn thi từ 4 tiết xuống 2 tiết/tuần.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Vũ Duy Khôi – Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Đỉnh – cho biết: “Mặc dù có rất nhiều tâm tư, các thầy cô vẫn làm việc hết trách nhiệm và tâm huyết, sẵn lòng dạy miễn phí cho học sinh của mình ở giai đoạn nước rút này.
Nhà trường cũng yêu cầu các thầy cô hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học và khuyến khích tinh thần, ý chí tự học ở các em”.
Cũng theo ông Khôi, quỹ lương của nhà trường rất lớn, ngân sách nhà nước cấp không đủ để chi trả kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, cán bộ giáo viên của trường cũng không được hưởng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 46 của Hội đồng nhân dân thành phố do 100% các trường THPT tại Hà Nội thuộc nhóm đơn vị tự chủ thu chi.
Nhà trường đang chờ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có hướng dẫn chi tiết hơn về việc thực hiện Thông tư 29 cũng như tham mưu, đề xuất các chính sách cho năm sau để các giáo viên trực tiếp tham gia công tác ôn tập cho học sinh cuối cấp không bị thiệt thòi.
Theo webtretho – https://www.webtretho.com/f/cong-dong-hieu-luat/xon-xao-phu-huynh-to-bi-ep-ky-giay-hoc-them-cu-the-su-viec-the-nao